Cuộc sống càng hiện đại – Con người ta càng cách xa mẹ cha

Tuổi ba mươi – ai cũng trải qua không ít thăng trầm trong cuộc sống, cái tuổi mà “sau còn con cái, trước còn mẹ cha”, ta chợt nhận ra rằng thời gian bên mẹ cha không còn nhiều nữa, tự nhủ mình phải trưởng thành và đủ mạnh mẽ để làm điểm tựa tinh thần cho người sinh ra mình và cả người mình sinh ra.

Cuộc sống ngày càng hiện đại, vạn vật biến chuyển không ngừng, thế hệ trẻ chúng ta dần lớn lên, dần đổi thay để thích ứng với thời cuộc, duy chỉ có người cha thì vẫn vậy, vẫn nguyên dáng hình lam lũ ngày nào, vẫn bên chiếc áo sờn vai, vẫn đôi bàn tay chai sạn, vẫn tất bật lao vào dòng xoáy của cuộc đời với cơm áo gạo tiền, vẫn lặng lẽ dõi theo đám con và vẫn không nỡ oán trách một lời dù bao lần chúng con làm cha rơi nước mắt.

Lớn lên, các con đứa nào cũng có cuộc sống riêng, đứa nào cũng mải mê với những thú vui thường nhật, vui với tổ ấm nhỏ của mình, vui với nhóm bạn bè ngày này qua ngày khác không hồi kết. Chúng ta có thể dành hàng giờ để đi mua sắm cá nhân, có thể dành mỗi cuối tuần để đi cà phê lê thê cùng bạn bè, có thể dành rất nhiều thời gian để lướt web, xem phim, giải trí,…nhưng lại không thể dành được vài chục phút mỗi ngày để ăn cơm cùng cha, để trò chuyện đôi ba câu tán gẫu cùng mẹ…Kể ra cũng lạ!

Chúng ta hay dùng cái lý do “không cùng tần số”, “khác thế hệ” để nói rằng mình không thể nói chuyện nhiều hơn cùng mẹ cha, chúng ta cho rằng người già lỗi thời, không hòa nhập được lối sống hiện đại của giới trẻ mà quên mất rằng ngày xưa, khi chúng ta còn rất bé, chính những người làm mẹ, làm cha đã phải vất vả như thế nào, để có thể bắt nhịp, để kịp sống cùng và chơi cùng các con – vốn là những đứa trẻ ngang bướng, nghịch ngợm và phiền toái.

Cuộc sống này vốn dĩ ai cũng cần phải thay đổi để có thể hòa hợp sống cùng nhau. Nếu như ở độ tuổi mười tám đôi mươi, chúng ta còn bồng bột, thường hay oán trách mẹ cha, thì càng lớn chúng ta càng phải nghĩ chậm lại, cư xử khôn khéo hơn để mỗi phút giây trôi qua là một khoảnh khắc vui chứ không phải là những sự cô đơn, buồn tẻ không thốt thành lời của người cha, người mẹ đang độ tuổi xế chiều.

Vậy nên:

  • ĐỪNG đối xử thờ ơ với cha bằng chuỗi ngày tháng vắng nhà không một tin báo.
  • ĐỪNG hờ hững với mẹ bằng sự ngó lơ, hoặc chào hỏi lấy lệ khi lỡ chạm mặt nhau sau mỗi ngày tan việc.
  • ĐỪNG buông lời oán trách khi mẹ cha chẳng thể cho ta một cuộc sống đủ đầy, giàu sang bằng chúng bạn.
  • Cũng ĐỪNG chối bỏ trách nhiệm nếu một mai cha yếu, mẹ già, đó là khoảng thời gian họ rất cần một người kề bên để chăm sóc, chuyện trò.
  • Và cũng ĐỪNG hờn ghen khi cho rằng cha trọng đứa con này, rồi chẳng trọng đứa con kia,….

Bởi tất cả đều là con của cha, cha đã dày công nuôi dạy bao năm ròng thì không thể nào có chuyện bên trọng, bên khinh được. ĐỪNG bao giờ lấy lý do “vì tôi không tiền nên người thân không coi trọng” để che lấp cho sự không tử tế của mình đã từng đối đãi với những người có công nuôi dưỡng.

Tình cảm gia đình – Nơi mà ta luôn được chào đón và yêu thương vô điều kiện

Đành rằng, con cái trong nhà có đứa thế này, đứa thế kia nhưng chung quy SỰ TỬ TẾ vẫn là liều thuốc tinh thần đáng giá dành cho cha, cho mẹ. Người làm con chỉ cần mở lòng một chút, người làm cha mẹ chỉ cần rộng lượng, bao dung hơn thì hẳn là mọi khoảng cách trong gia đình sẽ được rút ngắn, cuộc đời này sẽ trở nên thật đáng sống và ý nghĩa biết dường nào.

Vạn sự tùy duyên, mẹ cha con cái chính là cái duyên trời định thì dù giá nào chúng ta cũng phải cố gắng trân trọng và giữ gìn. Đó là tiền đề để các thế hệ kế tiếp trong gia đình kế thừa và phát huy tốt đẹp hơn nữa. Chúng ta có thể nghèo tiền nghèo bạc nhưng tuyệt nhiên không được nghèo nghĩa nghèo tình, tình thương là xuất phát từ tâm, không nhất thiết phải thốt ra lời yêu thương mỗi ngày nhưng từng cử chỉ, hành động, lời nói tử tế với nhau sẽ là nguồn năng lượng tích cực để mỗi thành viên trong gia đình cảm thấy hạnh phúc hơn từng ngày, biết trân quý các mối quan hệ hiện có của mình và có thể truyền tải thông điệp yêu thương ấy dành cho những người xung quanh một cách hiệu quả nhất.

Tình thân muôn đời luôn được đề cao, vậy nên đừng vì bất cứ lý do gì mà chúng ta quên đi công cha nghĩa mẹ:

Cha là bóng mát đời con

Ơn cha cao lớn, núi non sao bì

Vẽ đường, chỉ lối con đi

Con đi một bước, cha đi liền kề

Đêm nằm con bé tỉ tê

Bao giờ khôn lớn, con về nuôi cha!

Thế mà năm tháng đi qua

Danh con chưa rạng, cha già chưa lo

Đâu cần cửa rộng nhà to

Cha nào đòi hỏi ấm no cho mình.

Cha nguyện một đời hy sinh

Âm thầm, lặng lẽ “yên bình nha con!”

Ai ơi chữ hiếu cho tròn

Đáp công nuôi dưỡng lúc còn mẹ cha.

Cha là cha của chúng ta

Đừng nên hoạnh họe làm cha đau lòng.

Chân thành, tử tế song song

Hành vi tốt đẹp, an lòng phụ thân.

Tương tác với mình qua Zalo: 0395.198.481 – www.tuyenmy.info

XEM THÊM: Con người vốn rất giỏi viện lý do

VỀ ĐẦU TRANG